AI - Từ siêu công nghệ đến lo ngại mất kiểm soát
AI ngày càng phát triển và nhận được sự quan tâm trên toàn thế giới. Tuy nhiên cùng với đó, nhân loại cũng phải đối diện với vấn đề “đau đầu” là nguy cơ mà AI mang lại cũng như việc thiết lập những quy định cụ thể đối với việc sử dụng và kiểm soát nó.
AI phát triển nhanh như “vũ bão”
Hiện nay, AI ngày càng phát triển với tốc độ nhanh chóng, gần như len lỏi vào mọi lĩnh vực, từ giao thông, ô tô tự lái, dự báo thời tiết cho tới chẩn đoán sức khỏe. AI còn được sử dụng trong các lĩnh vực giáo dục, nông nghiệp, khoa học… Với khả năng xử lý lượng lớn dữ liệu một cách nhanh chóng và chính xác, AI không chỉ tăng cường hiệu suất công việc mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phân tích và hiểu biết sâu rộng về dữ liệu.
Theo thống kê của nhiều tổ chức khoa học uy tín thì hiện trên toàn cầu đang có khoảng gần 1.500 ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ cho đủ mọi lĩnh vực. Tuy nhiên theo phân tích của nhiều chuyên gia, những sản phẩm trí tuệ nhân tạo này đều có thể bị lợi dụng và tạo ra những hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng đến đời sống xã hội và cá nhân.
Điểm lại những dấu hiệu cho thấy AI đang “vượt tầm kiểm soát”
ChatGPT vượt qua bài phóng vấn, trúng tuyển kỹ sư
Google đã cung cấp một loạt các câu hỏi tuyển dụng mà hãng dùng để phỏng vấn cho vị trí lập trình để thử trí thông minh của ChatGPT. Kết quả đã khiến các nhà tuyển dụng của Google phải bất ngờ khi ChatGPT đã vượt qua bài phỏng vấn để được tuyển dụng ở vị trí kỹ sư phần mềm cấp 3 tại Google, tương đương với mức lương khoảng 183.000 USD/năm (gần 4,3 tỉ đồng).
Thẩm phán dùng ChatGPT để xử án
Đầu năm 2023, thẩm phán Juan Manuel Padilla Garcia ở Cartagena (Colombia) đã dùng ChatGPT để ra phán quyết trong phiên tòa một người dân kiện công ty bảo hiểm vì từ chối thanh toán chi phí điều trị y tế, trị liệu và di chuyển cho cậu con trai mắc chứng tự kỷ của mình.
Có thể nói, việc Garcia dẫn đầy đủ câu trả lời của ChatGPT trong hồ sơ và đưa ra quyết định đã đánh dấu lần đầu tiên một thẩm phán công khai dùng siêu AI để xử án.
Sử dụng AI để viết kịch bản
Vào năm 2022, DeepMind của Alphabet đã xây dựng một công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) mang tên Dramatron, với khả năng tạo ra được các kịch bản như một biên kịch thực thụ.
Đáng nói, Dramatron không chỉ có khả năng sáng tạo tốt mà còn có thể sáng tạo trong thời gian nhanh. Các nhà biên kịch nhận định nó sẽ hỗ trợ tốt trong việc xây dựng thế giới hoặc giúp biên kịch khám phá các cách tiếp cận khác về việc thay đổi các yếu tố cốt truyện hoặc nhân vật.
Sử dụng AI để thay thế diễn viên lồng tiếng
The Verge đã đưa tin về việc các trí tuệ nhân tạo tạo sinh giúp quá trình sao chép và mô phỏng giọng nói trở nên đơn giản hơn, với sự chân thực ngày càng được cải thiện. Công nghệ này không chỉ giới hạn ở nghệ sĩ mà ngay cả người dùng thông thường cũng có thể sử dụng trí tuệ nhân tạo qua nhiều nền tảng trực tuyến khác nhau để tạo ra bản sao giọng nói của chính họ. Bằng cách nói vào micro trong vài phút, trí tuệ nhân tạo sẽ xử lý dữ liệu một cách nhanh chóng. Sau đó, người dùng chỉ cần nhập nội dung mong muốn vào ô thoại, và "bản sao" được tạo ra sẽ lặp lại nó với một giọng nói gần như không thể phân biệt được so với bản gốc.
Sử dụng AI để thay thế các nhà báo
Hiện nay, xu hướng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra các công cụ robot thực hiện công việc báo chí. Nhiều tờ báo lớn như New York Times, Reuters, The Guardian, BBC cùng với các tổ chức truyền thông hàng đầu ở Nhật Bản, Hàn Quốc... đều đã tích cực áp dụng nhiều công cụ AI trong quá trình xử lý thông tin. Phương pháp này giúp tự động hóa những công việc lặp đi lặp lại khi viết tin, tạo bài theo một cấu trúc chung. Cụ thể, mô hình tự động hóa này thường được ứng dụng để sản xuất tin tức về tài chính hoặc tổng hợp kết quả các trận đấu thể thao.
AI gia nhập thị trường chứng khoán
Đến nay trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang chủ động tham gia vào thị trường chứng khoán. Công nghệ AI được sử dụng để phân tích dữ liệu tài chính, dự đoán xu hướng thị trường, và thậm chí để đưa ra quyết định giao dịch.
Các thuật toán máy học và học máy được tích hợp vào các hệ thống giao dịch tự động để tận dụng các cơ hội giao dịch ngắn hạn và dài hạn. AI có thể xử lý lượng lớn dữ liệu nhanh chóng, nhận diện mô hình, và thích ứng với biến động thị trường một cách linh hoạt.
Sử dụng AI để giám sát tốt hơn
Hiện nay, hầu hết các camera thường hoạt động theo cách thụ động, chủ yếu để tạo hiệu ứng răn đe hoặc cung cấp chứng cứ trong trường hợp có sự cố xảy ra. Tuy nhiên, với sự phát triển đáng kể của trí tuệ nhân tạo trong cuộc sống hiện đại, xu hướng này đang thay đổi nhanh chóng.
Các camera mới sử dụng công nghệ tiên tiến sẽ tích hợp hệ thống chương trình như một bộ não máy móc, chuyển chúng từ việc chỉ làm nhiệm vụ quan sát thụ động thành những con mắt quan sát thực sự. Chúng có khả năng dự báo các hành vi đáng nghi như trộm cắp, phá hoại, giúp chủ nhân có cơ hội ngăn chặn các vấn đề này một cách kịp thời.
AI tạo video từ văn bản
Mới đây nhất, ngày 15-2, OpenAI - công ty "cha đẻ" của chatbot ChatGPT, đã công bố thêm một bước tiến lớn trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) tổng quát, với một công cụ tạo ra các video ngắn từ những chỉ dẫn bằng văn bản.
Theo Open AI, Sora có khả năng tạo ra những cảnh quay thực tế và sáng tạo từ những chỉ dẫn bằng văn bản. Mô hình này cho phép người dùng sáng tạo những video sinh động lên đến 1 phút dựa trên những gợi ý mà họ viết ra.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận